Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan (núi Gia Lào) an toàn từ A-Z

Nếu lần đầu leo núi, trekking những cung đường khó khiến bạn cảm thấy e dè thì có thể lựa chọn núi Chứa Chan làm điểm chinh phục mang tính thử nghiệm nhé! Núi Chứa Chan cũng có tên gọi khác là núi Gia Lào. Nhìn chung, cung đường leo núi Chứa Chan Gia Lào không quá khó nhưng đòi hỏi các phượt thủ cần chuẩn bị kĩ càng hơn về lịch trình cũng như cách di chuyển sao cho hợp lý nhất. Hãy để mình gợi ý cho bạn đôi chút kinh nghiệm từ những trải nghiệm thực tế của bản thân nhé!

check in núi chứa chan

Núi Chứa Chan Gia Lào ở đâu?

Núi Gia Lào ở đâu? Núi Gia Lào thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Núi Chứa Chan hay còn có tên gọi là núi Gia Lào Đồng Nai. Độ cao núi Chứa Chan trong khoảng 837m so với mực nước biển. Một độ cao được xem là vừa tầm cho những phượt thủ chưa có nhiều kinh nghiệm leo núi và trekking. Là ngọn núi cao thứ 2 của Nam Bộ sau núi Bà Đen. Địa hình của núi cũng tương đối đa dạng với hình vòng cung và bao gồm 3 ngọn núi giáp lại với nhau theo hình bát úp, tạo nên những cung đường điệp trùng vừa mang tính thử thách nhưng cũng là tầm view đẹp để khám phá khung cảnh thiên nhiên, săn mây đón gió và tận hưởng nắng nhẹ của những ngày trời trong xanh. Nơi đây là một trong những địa điểm khu du lịch Đồng Nai được nhiều phượt thủ ưa thích.

núi chứa chan

Chỉ dẫn đường đi đến núi Chứa Chan

Tùy vào điểm xuất phát mà các bạn có thể lựa chọn cho mình đường đi núi Gia Lào với một lịch trình di chuyển phù hợp. Sau khi di chuyển từ trung tâm thành phố Sài Gòn đến Biên Hòa, chúng mình tiếp tục di chuyển theo hướng quốc lộ 1A (thẳng hướng xa lộ Hà Nội) khoảng 70km thì đến ngã ba Ông Đồn Đồng Nai. Tại ngã 3 này các bạn nhớ quẹo phải theo tỉnh lộ 766 về hướng Đông Bắc khoảng 2km, tại đây các bạn sẽ thấy bảng khu du tích lịch sử núi Chứa Chan Việt Nam. Các bạn tiếp tục di chuyển, rẽ vào đường nhựa 3,5km là đến chân núi. Gửi xe tại đây, nghỉ ngơi một chút và bắt đầu hành trình leo núi Chứa Chan của mình.

Leo núi Chứa Chan có khó không?

Mặc dù được mệnh danh là ngọn núi cao thứ 2 của Nam Bộ tuy nhiên nếu để đánh giá độ khó leo núi Chứa Chan thì trong khoảng 6/10 mà thôi. Tức là không quá khó và phù hợp cho cả những phượt thủ chưa có nhiều kinh nghiệm leo núi thuần thục.Nếu bạn chỉ có thể lực trung bình vẫn hoàn toàn có thể yên tâm thực hiện leo núi với khoảng thời gian đạt tiêu chuẩn. Cung đường với địa hình sườn dốc chủ yếu, lưu ý một số cung đường có vách dựng đứng,  có những đoạn phải băng qua đoạn rừng cỏ xanh rậm rạp. Các bạn chỉ cần lưu ý nhiều hơn trong việc lựa chọn các cung đường phù hợp để tránh bị lạc vì có nhiều cách leo núi Chứa Chan với các cung đường khác nhau.

trên đỉnh núi chứa chan

Có những cung đường nào lên núi?

Có 2 cung đường chính để Gia Lào đó là qua đường chùa Gia Lào và đường cột điện. 2 cung đường này có độ khó là tương đương nhau. Tuy nhiên leo núi Chứa Chan theo đường cột điện được nhiều phượt thủ lựa chọn hơn bởi cung đường mang đến trải nghiệm thú vị hơn, hoang sơ hơn và hòa mình với thiên nhiên hơn, đúng chất một chuyến trekking đúng nghĩa.

+ Cung 1: leo núi bằng đường chùa, sau khi di chuyển bằng xe máy (nếu có), các bạn sẽ gửi xe tại khu du lịch núi Chứa Chan ở phía dưới chân núi với mức giá là 10k/xe, qua đêm là 20k/xe.Sau đó các bạn có thể men theo con đường bộ đã được xây sẵn các bậc để leo, đến một đoạn sẽ có đường mòn, các bạn men theo con đường mòn để đến với đỉnh núi. Cung đường này không có nhiều cảnh đẹp như cung đường 2. Ngoài ra tại đây các bạn không muốn leo núi cũng có thể mua vé đi cáp treo  núi Chứa Chan hoặc múa vé 1 chiều nếu muốn di chuyển xuống nhanh chóng hơn khi cảm thấy mệt hoặc thể lực không cho phép. Các bạn cũng lưu ý thêm là cung đường này có nhiều rừng trúc và cỏ lau rậm rạp dễ khiến bị lạc cũng như mất phương hướng đấy nhé!

cung đường leo núi chứa chan

+ Cung 2: Leo núi Chứa Chan đường cột điện, để không bị lạc thì cách tốt nhất là bạn cứ men theo những cột điện đã được đánh số , cột điện ở đây có khoảng 125 cột (mình không nhớ chính xác con số lắm!), tuy nhiên cột điện đầu tiên sẽ được đánh số bắt đầu từ 20. Mặc dù được đánh số ở các cột điện nhưng có một số ngã rẽ sẽ khiến cho các phượt thủ lần đầu đi không tránh khỏi bỡ ngỡ, các bạn cũng cần lưu ý để tránh rẽ nhầm vào đoạn đường lấy củi của những người dân nơi đây nhé!

Thời gian leo núi mất bao lâu?

Nếu bạn là người có thể lực chỉ ở mức trung bình thì thời gian leo núi chỉ trong khoảng hơn 3 tiếng mà thôi! Tất nhiên thời gian có thể dao động đôi chút tùy vào thời gian nghỉ ngơi dọc đường cũng như vận tốc đôi chân của bạn. Ngoài ra nếu muốn có những trải nghiệm thú vị hơn các bạn có thể ở lại trên đỉnh núi, lựa chọn một nơi cắm trại phù hợp tại núi Gia Lào ở Đồng Nai với lịch trình một ngày một đêm nhé!

Lịch trình và kinh nghiệm leo núi Chứa Chan chi tiết nhất

Mình đã từng nghe ai đó nói rằng, đường dẫn đến những nơi đẹp thường khó. Hành trình leo núi Chứa Chan cũng bạn chắc chắn sẽ được đền đáp với những khung cảnh đẹp ở trên cao cùng nhiều điều bất ngờ mà bạn chưa biết. Hy vọng với lịch trình di chuyển cùng hướng dẫn leo núi Chứa Chan dưới đây của mình có thể giúp các bạn phần nào rút thêm kinh nghiệm để có chuyến đi thuận lợi và suôn sẻ, đặc biệt với những ai muốn tham khảo review núi Chứa Chan. Chúng mình là một nhóm gồm 10 người, quyết định lựa chọn leo núi Chứa Chan đường Cột Điện và xuống bằng đường chùa.

đường đi núi gia lào

Đường lên núi Chứa Chan

+ Từ 8h sáng – 10h: Bắt đầu điểm xuất phát từ thành phố Sài Gòn, chúng mình di chuyển bằng xe máy đến Biên Hòa Đồng Nai và đến với khu du lịch núi Chứa Chan. Nhóm 10 người có tất cả 5 chiếc xe máy, chúng mình gửi xe ở phía dưới chân núi, kiểm kê, chuẩn bị các đồ dùng mang theo và phân công người mang cho phù hợp.

+10h30: Bắt đầu những bước chân đầu tiên chinh phục núi Chứa Chan,  phượt núi Chứa Chan lúc này mọi thứ còn rất mới mẻ cảnh vật mới, tâm trạng háo hức nên mọi thứ rất suôn sẻ, tầm 20 cột điện đầu tiên có khoảng cách khá gần nên chúng mình không gặp quá nhiều khó khăn trong việc di chuyển, ngoại trừ một số đoạn có phần cỏ mọc um tùm che khuất đường đi phải lấy gậy để gạt mới qua được

+ Khoảng 12h chúng mình lên đến cột điện 50m, lúc này thử thách bắt đầu xuất hiện đây! Độ khó dần tăng cao. Những con dốc có vẻ cao và “gắt” hơn rất nhiều. Đặc biệt không dốc dần mà là dốc một cách đột ngột, khiến cho thể lực của mình đột nhiên bị giảm đi đáng kể, đặc biệt là áp lực lên cơ chân cũng tăng lên! Đã thấm mệt rồi! Dừng chân sau khi vượt qua một đoạn dốc lớn, chúng mình lấy đồ ăn và nước uống đã chuẩn bị sẵn để tiếp thêm năng lượng đã! Leo núi gì cũng tính sau!

đường đi núi chứa chan

+ 1h – 2h30: Khoảng thời gian  leo núi này gần như là gian nan nhất trong cả quãng hành trình chinh phục đỉnh núi Chứa Chan. Từ cột 50 đến 99 chắc chắn là cột mốc khiến các phượt thủ còn non kém như chúng mình phải tự hào. Bắt đầu từ đoạn 50m là những con dốc bất ngờ và liên tục, dốc nhưng không phải đường mòn mà là cả những bậc đã xen kẽ dọc đường đi rất khó nhằn, đá nhẵn thín như được mài, di chuyển không cẩn thận là rất dễ bị trơn trượt. Lúc này mới thấy tác dụng hữu ích của những đôi giày leo núi. Qua được đoạn này thì bạn có thể thở phào nhẹ nhõm hơn đôi chút bởi qua được nửa phần chông gia và thử thách, phía trước đường cũng dễ đi hơn rất nhiều. Tuy nhiên qua được đoạn dốc này cũng mất cả nửa tiếng để nghỉ ngơi và lấy lại sức.

+ 3h – 4h00: Qua được đoạn đường dốc đầy khó khăn thì lại đến đoạn dễ bị lạc. Từ cột số 110 trở đi có nhiều ngã rẽ với cỏ mọc um tùm 2 bên thành rừng che khuất lối, rất dễ bị lạc và mất phương hướng. Chúng mình đã mất nhiều thởi gian ở ngã chỗ cột điện 120 , đó là ngã rẽ vào rừng để lấy củi của những người dân và cả đoàn lại phải lật đật trở ra. Khá là mệt. Lại thêm một kinh nghiệm nữa khi leo núi du lịch núi Gia Lào được rút ra là cần phải theo dõi kĩ hướng cột điện để tránh bị mất phương hướng cũng như rẽ nhầm đường.

dốc leo núi chứa chan

+ 4h30: Đoạn này cần tăng tốc hơn, trời có vẻ đã xế chiều rồi! Chúng mình đặt chân đến cột điện thứ 140. Đây là một doanh trại bộ đội, cũng là gần đến điểm đích trên núi Chứa Chan rồi, leo thêm một đoạn dốc nhỏ nữa thôi là tới nơi. Chúng mình dừng lại tại đây và lựa chọn nơi đây làm điểm hạ trại luôn! Vừa an toàn và cũng được các anh bộ đội cho mượn cả mùng mền chiếu gối các kiểu, còn cho nước nữa chứ!

+ 5h00: Chúng mình đang đứng trên đỉnh cao của ngọn núi Chứa Chan. Lúc này trời đã chập choạng tối rồi và thật may mắn là có thể ngắm hoàng hôn và chút tia nắng còn xót lại một ngày trên đỉnh núi Chứa Chan. Hành trình mệt mỏi với những đôi chân đã mỏi nhừ cùng đôi vai rã rời bởi mang hành lý trong thời gian lâu cũng được đền đáp xứng đáng. Khung cảnh núi Chứa Chan trên cao trong lành, từ tầm view này có thể tưởng tượng như được làm chủ cả một vùng trời vậy. Tại đây các bạn có thể thấy toàn cảnh đẹp Đồng Nai.

Cắm trại ở núi Chứa Chan

cắm trại trên núi chứa chan

+ 18h tối chúng mình trở về nơi dựng trại ở cột mốc 120 cũng là điểm gần với doanh trại quân đội. Lều trại được dựng và củi khô được lượm lặt dọc đường đi cũng được phát huy tác dụng. Trời đã xẩm tối, chúng mình bắt đầu đốt lửa trại.

+ Từ 19h tối cho đến 23h tối là hoạt động ăn uống vui chơi và hát hò của bọn mình tại điểm cắm trại trên núi Chứa Chan. Giữa khung cảnh cắm trại nơi đây mà thưởng thức đồ nướng là ngon tuyệt cú mèo luôn!

+ 23h15: Cũng đã muộn rồi! và vì gần doanh trại quân đội nên cũng đi ngủ thôi để bầu không khí yên tĩnh và mọi người còn nghỉ ngơi. Dành sức mai bắt đầu hành trình xuôi núi trở về nữa chứ!

Xuống núi trở về

Sau khi đón bình binh, săn mây và tận hưởng khung cảnh đẹp trên núi Chứa Chan, 8h sáng, chúng mình bắt đầu rục rịch dọn dẹp đồ chuẩn bị hành trình xuống núi để trở về. hành trình xuống núi nhẹ nhàng hơn khi lên núi . Khi xuống núi chúng mình lựa chọn đi đường chùa men qua con đường mòn và những bậc thang. Từ chùa xuống chân núi, chúng mình dừng chân ở một quán nhỏ để thưởng thức món bánh xèo, cũng là một trong những món đặc sản Đồng Nai hấp dẫn tại đây. Mất khoảng 2 tiếng để di chuyển xuống chân núi và kết thúc chuyến hành trình leo núi Chứa Chan 1 ngày 1 đêm của chúng mình.

xuống núi chứa chan

Một số lưu ý khi leo núi Chứa Chan

+ Trước tiên là đồ dùng cần mang. Hãy đảm bảo mang nếu bạn thực sự cảm thấy cần thiết. Ngoài đồ dùng cá nhân, đồ ăn, nước uống và một chút tiền mặt. Các bạn có dự định đi cắm trại qua đêm tại đây cũng nên chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cắm trại như lều, thảm trải và bếp nướng. Đừng nhồi nhét mang vác quá nhiều đồ bởi chúng có thể khiến chuyến leo núi của bạn là chuyến đi “hành xác” theo đúng nghĩa đen đấy! Ngoài ra nếu chưa biết rõ vị trí núi Gia Lào nằm ở đâu các bạn cũng cần mang theo la bàn, bản đồ để định hướng.

+ Như mình đã nói thì một số ngã rẽ có thể gây nhầm lẫn và khiến cả đoàn bị rẽ nhầm hướng khi phượt núi Gia Lào cách tốt nhất là bám sát chỉ dẫn của các cột điện theo đường mũi tên.

+ Cuối cùng, hãy là một phượt thủ “văn minh” bằng cách không xả rác bừa bãi dọc đường thực hiện chuyến hành trình leo núi và cắm trại tại đây nhé!

Chúc các bạn leo núi Chứa Chan thành công!  Và đừng quên chia sẻ thêm với chúng mình những kinh nghiệm thú vị của bạn!

Xem thêm >> KINH NGHIỆM TREKKING TÀ NĂNG PHAN DŨNG 3 NGÀY 2 ĐÊM CHI TIẾT A-Z

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *